Kính chào quý thầy cô, như đã giới thiệu ở phần 1, phần 2 này sẽ mở chính thức vào giữa tháng 6. Tuy nhiên do yêu cầu triển khai nhanh mỗi thầy cô một bài vào tháng 5 này từ phía nhà trường, tôi xin trình bày vắn tắt dựa trên kịch bản ví dụ của môn Tin học để thầy cô có cái nhìn tổng quan và có thể thực hiện tương tự cho bộ môn mình.
Về các nền tản lý thuyết và các nguyên lý phía sau kịch bản, xin hẹn quý thầy cô vào mùa hè như kế hoạch ban đầu.
Nắm được các nguyên tắc cơ bản trong thiết kế kịch bản dạy học trực tuyến
Nắm được các bước thiết kế kịch bản dạy học trực tuyến
Thiết kế được một kịch bản dạy học trực tuyến theo mô hình dạy học kết hợp
Trong môi trường học tập trực tuyến, người học bị cô lập khỏi không gian học tập, tức không có bạn bè cùng lớp bên cạnh, không có thầy cô trực tiếp hướng dẫn, nên sự tập trung là rất thấp. Chúng ta cần tổ chức các hoạt động học tập phù hợp nhầm lôi kéo và duy trì được sự tập trung để hiệu quả học tập cao nhất có thể. Do vậy, cần xây dựng bài học như một câu chuyện kể, có bối cảnh, có nhân vật, có các hoạt động mà trong đó người học phải tham gia vào.
Đặt người học vào trung tâm của quá trình học tập
Xác định mục tiêu học tập hướng đến các năng lực nhận thức bậc cao
Ưu tiên các phương pháp có tính minh họa trực quan, thực hành, trải nghiệm.
Chú trọng các hoạt động phối hợp nhóm để giảm bớt cách biệt năng lực người học
Tùy theo phương pháp dạy học mà lựa chọn các công cụ phù hợp nhằm phát huy tối đa hiệu quả của công cụ.
Nguồn: TS Nguyễn Tấn Đại, 2020
Quay lại với các niệm về học liệu số, thì kịch bản dạy học trực tuyến là sự phối hợp của nhiều đơn vị học liệu để tạo nên một bài học cụ thể, nhằm hỗ trợ sự phát triển những năng lực nhất định ở người học.
Mỗi đơn vị học liệu là sự kết hợp nhiều đơn vị thông tin lại với nhau để thực hiện một tác vụ và đạt được một mục tiêu học tập nhất định, hay nói khác đi, đây chính là một hoạt động học tập.
Xét trên nguyên tắc đặt người học vào trung tâm trong quá trính học tập (lấy người học làm trung tâm), người giáo viên cần tạo các điều kiện để người học tương tác với học liệu, tương tác với giáo viên và tương tác với bạn cùng học nhằm đạt được các mục tiêu học tập như mong muốn (các yêu cầu cần đạt, hay chuẩn đầu ra)
Như vậy, thiết kế một kịch bản dạy học trực tuyến về mục tiêu không khác mục tiêu khi chúng ta thiết kế kịch bản cho một bài học thuyền thống. Chỉ khác nhau ở cách thức chúng ta triển khai hoạt động học tập, cách thức chúng ta chuyển tải học liệu đến người học cũng như cách chúng ta sử dụng các công cụ trực tuyến để hỗ trợ quá trình học tập của người học.
Qua những phân tích ở trên, có thể đưa ra những bước cơ bản để thiết kế một kịch bản dạy học trực tuyến như sau:
Bước 1. Xác định chuẩn đầu ra (yêu cầu cần đạt sau bài học)
Bước 2. Xác định nội dung học liệu cần chuyển tải đến người học
Bước 3. Xác định các hoạt động học tập cần thực hiện
Bước 4. Xác định các công cụ hỗ trợ liên lạc, tương tác nhau trong quá trình học tập
Bước 5. Xác định phương thức đánh giá người học
Mỗi bài học nằm trong một chủ đề học tập hoặc một khóa học, môn học cụ thể trong chương trình học tập của học sinh. Các chuẩn đầu ra liên quan đến các năng lực của người học cần được phát triển trong một quá trình dài, khi hoàn tất chủ đề, khóa học thậm chí là phải qua hết một cấp học. Mỗi một bài học trong môn học chỉ là một mắc xích hỗ trợ người học phát triển một hay một vài năng lực nào đó ở một mức độ khiêm tốn. Hiểu được điều này giúp chúng ta xác chuẩn đầu ra hay yêu cầu cần đạt cho một bài học ở một mức vừa phải, phù hợp với trình độ người học, thời lượng cho phép của bài học trong môn học.
Cách viết yêu cầu cần đạt cũng rất quan trọng, chúng ta nên chọn các động từ mô tả trực tiếp được các biểu hiện năng lực của người học. Cách viết này nhằm giúp chúng ta đánh giá được người học, theo dõi được quá trình phát triển của người học, bản thân người học cũng có thể tự đánh giá được sự phát triển của mình.
Ví dụ:
Theo kịch bản trên, thầy cô sẽ thấy dù năng lực Tin học cần phát triển cho học sinh trong thế kỷ 21 gốm nhiều nhiều kỹ năng, tuy nhiên, trong phạm một bài học cụ thể ở một chủ để về lập trình (giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính), chúng ta chỉ có thể hỗ trợ phát triển được các kỹ năng nhất định. Và cách phát biểu các yêu cầu này cũng thông qua các động từ giúp dể dàng đo được trong quá trình học tập.
Để đáp ứng yêu cầu cần đạt trên, chúng ta cần xác định, chọn lọc, phân đoạn học liệu phù hợp để chuyển đến người học.
Các học liệu này có thể bao gồm sách (được giới hạn trang), tài liệu trên internet (chỉ định rõ phân đoạn cần xem), bài tập được biên soạn sẵn, và các hướng dẫn học tập khác, ...
Ví dụ:
Như đã đề cập từ đầu, mỗi hoạt động học tập chỉ giúp người học đạt được một đến hai mục tiêu cụ thể. Cần xác định rõ mục tiêu của từng hoạt động, thời lượng tương ứng, các nhiệm vụ trong hoạt động, sản phẩm học tập là gì và cách giáo viên đánh giá học sinh trong hoạt động như thế nào.
Các hoạt động này có thể được chia làm hai loại chính:
Hoạt động cá nhân:
Đọc tài liệu
Xem bài giảng
Làm bài tập
Tìm thông tin,...
Hoạt động nhóm
Thảo luận nhóm
Cùng soạn một tài liệu nào đó
Cùng thu thập thông tin gì đó
Nhận xét, đánh giá bạn đồng học,...
Ví dụ:
Đây là bước quan trọng trong thiết kế kịch bản dạy học trực tuyến. Như phân tích ở phần trên, các công cụ này nhằm giúp người học có thể tương tác được với giáo viên, với học liệu và với bạn cùng học.
Trong điều kiện lý tưởng, cơ sở giáo dục (nhà trường) xây dựng được một hệ thống LMS (hệ thống quản lý dạy học trực tuyến) thì tất cả các công cụ cần thiết đều được tích hợp sẵn trong hệ thống này. Còn nếu nhà trường chưa trang bị kịp, mà giáo viên phải sử dụng nhiều công cụ rời rạc để tác nghiệp, thì dữ liệu sẽ không tập trung, khó đồng bộ và khó quản lý được tiến trình học tập của người học. Chúng ta có thể tạm chia các công cụ này thành các loại sau đây:
Công cụ chuyển tải học liệu:
Google ClassRoom
Google sites
Google docs, gooles presetation,...
Công cụ liên lạc bất đồng bộ:
Diễn đàn (Forum)
Google jamboard
Group facebook
Group Zalo
....
Công cụ liên lạc đồng bộ:
Zalo chat, Zalo audio, video call
Message của facebook, messafe call
Discord
....
Tùy vào hoàn cảnh, mục tiêu của bài học, điều kiện của thầy, trò mà chúng ta chọn các công cụ phù hợp và kết hợp chúng với nhau.
Bước 5 - Xác định phương thức đánh giá người học
Đánh giá người học trực tuyến là một mảng khá lớn, chúng ta sẽ có hẳn một phần để thảo luận về việc này. Trong phạm vi một bài học, xác định phương thức đánh giá là xác định chuỗi công việc mà giáo viên cần thực hiện để chọn cách đánh giá, công cụ đánh giá, hình thức đánh giá để đo lường mức độ mà người học đạt được những yêu cầu cần đạt đã xác định.
Ví dụ trong kịch bản "Bài tập cấu trúc lặp này", tôi chọn hình thức đánh giá thực hành, quan sát, vấn đáp. Đối với hai hình thức quan sát và vấn đáp, tôi sẽ dùng công cụ diễn đàn để theo dõi học sinh ở hoạt động 1 và hoạt động 4, dùng cách quan sát và vấn đáp trực tiếp học sinh ở hoạt động 2, 3. Đối với hình thức đánh giá thực hành, tôi sử dụng hệ thống chấm bài tự động tkncoder.
Trong điều kiện cho phép, chúng ta nên công bố rõ ràng cho học sinh biết được phương thức chúng ta đánh giá các em. Điều này giúp các em dễ dàng hợp tác với chúng ta, cũng như dễ dàng quy chiếu với yêu cầu cần đạt để tự đánh giá mình.
Hy vọng sau một số phân tích vừa rồi sẽ giúp thầy cô có cái nhìn ban đầu về thiết kế một kịch bản dạy học trực tuyến cho một bài học cụ thể. Sau đây là một số kịch bản dạy học của môn Tin học được thiết kế theo mô hình lớp học kết hợp (Blended learning), xin gửi đến quý thầy cô làm tài liệu tham khảo.
Các kịch bản này thường được chia làm bốn hoạt động, trong đó hoạt động nêu vấn đề và vận dụng thường sẽ được học sinh thực hiện trên môi trường trực tuyến, hoạt động giải quyết vấn đề và luyện tập sẽ được thực hiện trực tiếp tại lớp.
Vì nội dung viết trong thời gian ngắn để kịp thời cung cấp đến thầy cô theo lịch chung của nhà trường nên chắc chắn có nhiều điều khiến thấy cô chưa rõ. Rất mong nhận được những phản hồi, góp ý và những bình luận sâu hơn của quý thầy cô qua diễn đàn lớp học. Trân trọng cảm ơn quý thầy cô!
Phần 2 - Chủ đề 2.1 - Những vấn đề liên quan đến kịch bản dạy học kết hợp (blended learning)